Sự nghiệp Việt Linh

Từ năm 1970, Việt Linh khởi đầu sự nghiệp điện ảnh bằng vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch phim tài liệu. Việt Linh tốt nghiệp khóa quay phim do Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời tổ chức tại Trung ương Cục miền Nam[3][4] vào năm 1974. Hòa bình lập lại, Việt Linh tiếp tục công tác tại Hãng phim Giải Phóng ở thành phố Hồ Chí Minh.[2] Trong thời gian này bà tiếp tục học bổ túc lớp 12 tại trường Lê Quý Đôn.[1]

Tháng 9 năm 1979, bà được gửi đi Liên Xô học biên kịch phim truyện, nhưng do đam mê riêng, bà xin thi chuyển ngành và đỗ vào Khoa Đạo diễn phim truyện tại Trường đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang Xôviết, Moskva. Năm 1985, bà tốt nghiệp, trở về nước và tiếp tục làm việc tại Hãng phim Giải phóng, vừa làm đạo diễn phim truyện vừa viết kịch bản phim truyện.[2][5]

Bộ phim truyện đầu tay của Việt Linh với vai trò đạo diễn năm 1986, mang tên “Nơi bình yên chim hót”. Bộ phim điện ảnh thứ hai, "Phiên tòa cần chánh án" lấy đề tài hậu chiến và chất độc màu da cam, đã giành được giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8.[6] Trong thời gian quay bộ phi này, biên kịch Phạm Thùy Nhân đã cho Việt Linh đọc cuốn Chùa Đàn của Nguyễn Tuân.[7] Bộ phim “Gánh xiếc rong" năm 1988 là thành công lớn đầu tiên của bà khi dành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Tiếp sau đấy bà thành công với Dấu ấn của quỷ (1992), Chung cư (1998).[2]

Với bộ phim điện ảnh cuối cùng Mê thảo, thời vang bóng, bà lên kế hoạch từ khi đọc được truyện ngắn Chùa Đàn. Tại Pháp, Việt Linh đã xem lại các tư liệu về miền Bắc Việt Nam và được cơ quan văn hóa của Pháp hỗ trợ dựng cảnh.[7] Trong sự nghiệp đạo diễn điện ảnh từ năm 1986 đến 2002, bà đã có 7 tác phẩm với hàng chục giải thưởng lớn nhỏ.[8]

Năm 2005, vì hút thuốc và làm việc quá sức bà bị tai biến, từ thời điểm này bà chuyển sang việc viết sách, báo, kịch bản và biên tập phim.[2][5] Năm 2006, nhận lời mời từ The 5th Asia - Pacific Triennial of Contem-porary Art (Tam niên nghệ thuật cận đại châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5),[9] ban tổ chức muốn tài trợ để đạo diễn Việt Linh đưa đến 7 bộ phim của bà để triển lãm, bao gồm cả phim video Cuộc đời bị đánh cắp sản xuất năm 1989. Nhưng cuối cùng, chỉ có 4 phim đuợc mang đến,[10] và cả 4 bản phim này đạo diễn đều phải mua lại từ các kho lưu trữ của nước khác: Gánh xiếc rong mua lại từ Thụy Sĩ, Dấu ấn của quỷ và Chung cư mua lại từ Nhật Bản, Mê Thảo - Thời vang bóng mua lại từ Mỹ.[11]

Năm 2014, bà trở về Việt Nam ra mắt tủ sách điện ảnh[12] nhưng sau đó đã ở lại thêm để dựng vở kịch Thiên Thiên, vở kịch kết hợp từ hai tác phẩm, truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của Vũ Hồi Nguyên và truyện ngắn Xoa của Tăng Song Nam.[13] Năm 2015, bà mở sân khấu riêng với tên gọi Hồng Hạc.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt Linh http://www.imdb.com/name/nm0896858/ http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Van-hoa/112934/ http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d... https://www.qagoma.qld.gov.au/exhibition/the-5th-a... https://www.focus-on-asia.com/archives/1993-3rd/ https://www.lofficielvietnam.com//pop-music-film/c... https://vnexpress.net/dao-dien-viet-linh-san-khau-... https://vnexpress.net/dao-dien-viet-linh-ve-nuoc-m... https://vnexpress.net/minh-trang-tai-xuat-san-khau... https://vnexpress.net/nha-van-marc-levy-tro-lai-vi...